Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Chủ nhật - 27/12/2020 19:39
Giai đoạn 2010 - 2020, các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của tỉnh đã đến với từng người dân có nhu cầu. Đào tạo gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập sau học nghề là hiệu quả thực tế khi thực hiện các chính sách.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp hàng nghìn lao động được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: D.L
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp hàng nghìn lao động được giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: D.L

Hơn 54 nghìn người học nghề

Ngày 16.12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010 - 2020; Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện các chương trình; nhìn nhận những vướng mắc, khó khăn và đề ra những định hướng cho việc thực hiện các chính sách đào tạo nghề, việc làm, an toàn lao động giai đoạn 2021 - 2025. Tại hội nghị tổng kết, có 15 tập thể và 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các chương trình, chính sách trên được UBND tỉnh tuyên dương, tặng Bằng khen.

Trong 10 năm qua, tỉnh đã thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3577 của UBND tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đối với Quyết định 1956, đã đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 48.128 người, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo chiếm 80,4%. Quyết định 3577 đào tạo được 5.479 người (trong đó có 2.262 người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số), tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95%.

Ở những làng nghề truyền thống, người nông dân học nghề và khôi phục, phát triển lại nghề của cha ông, trở thành những làng nghề phát triển mạnh hiện nay như làng nghề phở sắn ở Đông Phú (Quế Sơn), rau Trà Quế ở Cẩm An (Hội An), chiếu cói Bàn Thạch (Duy Xuyên)... 

Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Trong 10 năm qua, chính sách đào tạo nghề luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các địa phương và người dân. Việc thực hiện chính sách đào tạo nghề đã có sự tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu việc làm, cơ cấu lao động của tỉnh. Trên 54 nghìn người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách từ các Quyết định 1965, 3577. Trong đó có trên 80% người học xong nghề đã có việc làm, hoặc nâng cao thu nhập từ nghề đã học, tự tạo việc làm tại chỗ. Nhiều mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã ra đời và hoạt động hiệu quả dưới mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác...”.

Học nghề gắn với việc làm

Đối với LĐNT của tỉnh, các nghề được chú trọng đào tạo ở lĩnh vực nông nghiệp như chăn nuôi heo, bò, gà, cá, trồng nấm, cây cảnh, cây ăn quả, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi... LĐNT học nghề theo nhu cầu của họ, đăng ký và được đào tạo tận nơi. Vì thế mà họ áp dụng thành công vào chính ao cá, khu vườn của gia đình.

Như ông Phạm Văn Song (xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) có vườn thanh trà nhưng gốc bị già cỗi, xuống cấp nên trái không đạt chất lượng. Sau khi học nghề trồng cây ăn quả, ông Song mạnh dạn bỏ đi những gốc cây hết sức sống, chỉ giữ lại những gốc còn chăm được, chiết cành trồng lại cây mới trên nền đất vườn cũ được cải tạo lại. Nhờ đó mà vườn thanh trà của ông Song phát triển tốt, cho quả ngon, ngọt và mượt hơn. Vườn thanh trà mỗi mùa mang về nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng.

Ông Song nói: “Trước khi học nghề tôi làm theo kinh nghiệm, biết đâu làm đó, nhưng nhiều khi không đúng với bệnh mà cây lâu năm gặp. Khi đã học nghề xong tôi biết cách xử lý những vấn đề bệnh tật trên cây sớm, giúp cho cây ra trái ngon hơn, mọng nước và ngọt hơn. Những năm gần đây, người dùng biết đến thanh trà Tiên Hiệp rồi, thanh trà có giá thì nguồn thu nhập mang lại cho gia đình tôi cũng tốt hơn”.

Với những nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, sản xuất mây tre đan, chế biến món ăn... đã được đông đảo LĐNT theo học. Nhiều doanh nghiệp đã đồng hành đào tạo, tiếp nhận lao động sau học nghề vào làm việc ổn định, như Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Germton, Moonchang Vina... Nhiều mô hình hiệu quả từ các lớp đào tạo nghề cho LĐNT đã ra đời và phát triển tốt. Như mô hình đào tạo nghề may công nghiệp theo địa chỉ tại các xã Tam Thái, Tam Đàn (Phú Ninh) đã đào tạo nghề cho 172 lao động là người bị thu hồi đất, được giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp may. Mô hình dạy nghề kỹ thuật chế biến món ăn có sự đồng hành của các nhà hàng, khách sạn đã giúp cho 136 lao động có việc làm ổn định sau học nghề.

Nói như ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My: “Đào tạo nghề may theo Quyết định 3577 được ví “như một cuộc cách mạng”, thực sự đi vào lòng dân trong việc chuyển đổi ý thức về việc làm của lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lao động trẻ đã đi học nghề và đi làm trong môi trường công nghiệp, thích nghi được với môi trường này. Nhiều lao động đi học nghề, có việc làm, có thu nhập gửi về cho gia đình nên giúp gia đình có điều kiện sản xuất, cùng với sự trợ sức từ chính quyền địa phương đã thoát nghèo hiệu quả hơn”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

tailieu2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây