NGHỊCH LÝ THỢ - THẦY
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp gần như bị “xoay vòng” trong câu chuyện trọng bằng cấp đang tồn tại ở phần đông thanh niên. Các trường nghề tìm đủ mọi cách kéo học viên. Trong khi doanh nghiệp cũng vào cuộc để chọn lựa thợ tay nghề cao, thì ngược lại, số đông người trẻ vẫn chọn con đường đại học. Dù hẳn, hệ lụy của “cử nhân” thất nghiệp hàng loạt đã thấy trước mắt…
Cử nhân “cất bằng”
Nguyễn Thị Kim Yến (25 tuổi, quê Duy Xuyên) gần 3 năm nay làm việc cho một khách sạn ở TP.Tam Kỳ với vị trí nhân viên buồng phòng. Mặc dù đã khá quen và bằng lòng với công việc hiện có nhưng mỗi khi nghĩ đến tấm bằng đại học “có cũng như không”, Yến lại tự vấn bản thân. Giá như suy nghĩ chín chắn hơn; giá như biết trước tấm bằng đại học ra “chẳng để làm gì” thì chắc hẳn Yến sẽ không lựa chọn một con đường vừa tốn công sức, thời gian và cả tiền bạc, như con đường vào giảng đường đại học. Yến kể, cách đây 8 năm, học xong cấp 3, như nhiều bạn trẻ, Yến xem con đường vào đại học là cứu cánh cho tương lai tươi sáng sau này. “Tốt nghiệp 12, em muốn thi vào đại học nhưng chẳng biết chọn ngành gì, thấy trên mạng ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Huế lấy điểm thấp, khả năng phù hợp sức mình nên em đăng ký. Hồi đó còn trẻ, lại không có ai định hướng, với em nghĩ ngành quản trị kinh doanh thì dễ xin việc nên em chọn đại rứa thôi. Nói chung là khá mơ hồ!” - Yến thật thà chia sẻ.
Năm 2016, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực (chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/5 của Malaysia và 2/5 của Thái Lan). Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng khuyến cáo, Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm 10 thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ mới đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 quốc gia ở châu Á tham gia WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm, Ấn Độ 5,75, Malaysia 5,59 và Thái Lan là 4,94 điểm... |
Việc chọn ngành học theo cảm tính đã khiến cho Yến rơi hoàn cảnh trớ trêu khi không biết xin việc gì, nên làm ở đâu sau khi ra trường. Yến kể: “Lúc ra trường ba mẹ bảo về làm gần nhà nên em chẳng để ý đến bằng cấp và sở thích. Em xin vào làm ở một số nơi, công việc chẳng liên quan đến ngành học nên làm được thời gian ngắn thì nghỉ vì không phù hợp. Sau này, em đăng ký vào vị trí nhân sự ở khách sạn không được nên phải làm nhân viên buồng phòng. Công việc này chẳng liên quan gì đến bằng cấp của em cả. Nhiều hồi nhìn tấm bằng để trong ngăn tủ, em lại thấy chạnh lòng” – Yến tâm sự.
Và Yến không phải là trường hợp hiếm trong hàng loạt câu chuyện cử nhân “cất bằng” để làm công nhân. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kể rằng, ông đã có dịp đi khảo sát tại một số công ty may trên địa bàn tỉnh. “Đến giờ ăn trưa tôi hỏi thăm các em và được biết tại một bàn ăn có 3 em đã tốt nghiệp đại học, một bàn ăn khác có 2 em đã tốt nghiệp đại học. Các em này học xong ra trường không xin được việc làm nên phải cất bằng đi làm công nhân. Tôi thấy rất xót xa. Các em học 4 năm đại học, tốn rất nhiều tiền của cha mẹ nhưng ra trường không có việc làm, rất lãng phí nguồn lực xã hội” - ông Thu nói. Việc mất cân bằng trong đào tạo là chuyện nhức nhối từ nhiều năm nay, khi thị trường lao động nghiêng về việc kiếm tìm những ứng viên có tay nghề, hơn là người có “bằng cấp”.
Thợ nghề... được chào đón
Ngược lại với câu chuyện tiếc nuối vốn liếng cho 4 năm đại học, chúng tôi lại tìm gặp những nhân vật ngay từ đầu đã nhìn thấy “tương lai” của việc học nghề - dù có thể họ chọn làm nghề đôi khi vì thất bại ở cuộc chạy đua vào cổng trường đại học. Nguyễn Duy Đức (36 tuổi, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) là một người như vậy. Lựa chọn thi vào Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội cho tương lai nhưng Đức thi trượt, phải trở về quê đi làm “thợ đụng” kiếm thu nhập giúp đỡ gia đình. Cũng từ đây, con đường lập nghiệp của chàng trai trẻ lại mở ra khi anh xin vào làm ở một cơ sở cơ khí tại địa phương. Đức cho biết: “Trước đó mình làm đủ nghề nhưng khi đến với nghề cơ khí thì có sự yêu thích đặc biệt. Khi đó, mình nghĩ đây có thể là công việc để gắn bó lâu dài nên sau thời gian học nghề ở địa phương mình đã đăng ký một lớp đào tạo nghề ngắn hạn do một trường nghề chuyên nghiệp tổ chức để nâng cao tay nghề”.
Học xong khóa học, Đức không còn làm việc ở địa phương nữa mà anh nộp hồ sơ xin việc tại các công ty chuyên về cơ khí ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi và hiện nay là Công ty TNHH MTV Hữu Toàn Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành). Với năng lực và những đóng góp quan trọng cho công ty, Đức đã được công ty bố trí ở vị trí quan trọng trong dây chuyền sản xuất, đi cùng với đó, mức thu nhập cũng nâng lên. “Mình rất vui vì được làm đúng nghề yêu thích cho dù công việc chân tay khá mệt nhọc. Điều quan trọng là mình có việc làm ổn định, có thu nhập khá để tự lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình” – Anh Đức chia sẻ.
Mục tiêu thu hút các nhà đầu tư vào Quảng Nam với tham vọng sẽ “xuất khẩu” lao động tại chỗ, chính quyền tỉnh quyết liệt tìm mọi cách để kích thích thanh niên học nghề. Hàng loạt cơ chế hỗ trợ, đào tạo được đưa ra để huy động nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, việc đào tạo lao động có tay nghề gắn với giải quyết việc làm sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề của tỉnh 55% vào năm 2020... Mới đây, đề án 3577 được ban hành ngõ hầu hiện thực hóa mục tiêu cung cấp lao động tại chỗ, có tay nghề cho các dự án công nghiệp trọng điểm. Tuy nhiên, thời gian vẫn còn dài để hiện thực hóa tham vọng này.
Trong khi đó, mới đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại các nước ASEAN khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp trong khối ASEAN đang lo ngại vì thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao, hơn 50% doanh nghiệp sử dụng lao động khẳng định lao động phổ thông không đáp ứng được kỹ năng họ cần, trong khi đó cử nhân mặc dù được trang bị kiến thức và kỹ năng ở các trường cao đẳng, đại học nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Và hẳn Quảng Nam cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó, mặc dầu mỗi năm các khu công nghiệp đóng chân trên địa bàn càng mọc ra thêm nhiều công xưởng. Bài toán đỏ mắt tìm thợ sau mỗi kỳ nghỉ tết vẫn chưa bao giờ dừng lại.
ĐỊNH VỊ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Không còn mới mẻ nhưng câu chuyện về việc định vị giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ. Vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách cũng như quản lý giáo dục hiện tại chính là làm sao để thanh niên dễ dàng thích ứng với việc lựa chọn con đường học nghề…
Nhiều thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định nhờ có sự định hướng tốt trong việc học nghề. Ảnh: V.A |
PGS-TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp, cần thêm một bước dịch chuyển nữa theo hướng các nghề nghiệp mang tính dịch vụ - hướng vào việc phục vụ con người. Theo đó, Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích các trường tập trung đào tạo nghề ở các mảng dịch vụ phục vụ trực tiếp con người, thay vì dồn quá nhiều nguồn lực vào các trường đào tạo nghề mang đặc thù cơ khí - kỹ thuật. Ngoài ra, mặc dù đã có hỗ trợ về việc phân luồng với việc cho phép các trường trung cấp có thể tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS đi học nghề, nhưng trên thực tế số này vẫn còn khá ít. Nhà nước nên cắt giảm (phân luồng) 20 - 30% lượng học sinh đang theo học THPT chuyển sang hệ trung cấp và cao đẳng ngay sau bậc học THCS theo thông lệ quốc tế.
Việc nên loại bỏ dần hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên (có vai trò bổ túc văn hóa cho các học sinh không vào được các trường THPT), sáp nhập các trường này vào hệ thống đào tạo nghề và định hướng rõ ràng cho các học sinh vào học các trường trung cấp và cao đẳng nghề, cũng là câu chuyện đang được tính toán. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thùy cho rằng, nên “đặt hàng” đối với các trường nghề trong thời buổi Quảng Nam đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề. “Tại sao ở thời điểm này chúng ta không đẩy mạnh việc phân luồng trong giáo dục? Phân luồng tốt thì công tác đào tạo nghề sẽ thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Theo tôi, cần đổi mới việc giao định mức đào tạo cho các trường nghề. Lâu nay, Nhà nước mới chỉ đặt hàng với các trường nghề qua chỉ tiêu số lượng mà chưa quan tâm đến ngành, nghề theo từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ nhu cầu lao động của tỉnh trong thời gian tới là bao nhiêu, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nào, thì phải tính toán kỹ để từ đó đặt hàng với các trường nghề đào tạo đúng “địa chỉ”. Một thực trạng nữa là hiện nay có một bộ phận lớn lao động phổ thông trong các doanh nghiệp đã tốt nghiệp đại học nhưng chúng ta chưa nắm được con số cụ thể. Do vậy, cần có khảo sát, qua đó đưa ra các giải pháp để tập trung đào tạo lao động chất lượng cao cho số này. Bởi các em có cơ sở kiến thức mà phải lao động phổ thông như vậy thì rất lãng phí nguồn nhân lực” - ông Thùy đề xuất.
Ông Hồ Quang Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh chia sẻ, việc định hướng nghề cho học sinh THPT rất quan trọng. “Tôi từng chứng kiến nhiều em học đại học trả lời lý do chọn ngành, chọn trường là do nghe bạn bè rủ rê, rồi nghe tên ngành “sang quá”!..., mà không hiểu gì về ngành theo học. Tại một hội trường có rất đông bạn trẻ đã và đang học đại học, khi được hỏi nếu được chọn lại nghề thì khoảng 50% đồng loạt giơ tay chọn đi học nghề” - ông Lĩnh kể.
Khi thế giới tiến đến thời đại cách mạng công nghệ 4.0, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và tự động hóa sẽ dẫn đến sự biến động nhân sự nghề nghiệp, tác động không nhỏ lên người lao động. Sẽ có những nhóm việc làm chắc chắn bị máy móc thay thế. Cùng với đó, cũng sẽ có những nhóm nghề đòi hỏi sự nhạy bén sáng tạo của người lao động mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được. Vì vậy, sẽ cần tới một hệ thống đào tạo nghề nghiệp được nghiên cứu kỹ lưỡng và phù hợp với thời đại…
TRƯỜNG TÌM HỌC VIÊN
Mặc dù thị trường lao động được nhìn nhận sẽ cần rất nhiều thợ có tay nghề trong tương lai, nhưng tại các trường nghề, mỗi mùa tuyển sinh lại thắc thỏm đi tìm học viên…
Thí sinh chen chân nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ năm học 2016 - 2017 tại bưu điện. Ảnh: V.A |
Bài toán khó
Đã có trường về tận các nóc, bản ngay khi năm học cũ chưa kết thúc, khuyến khích, động viên học trò tìm đến học nghề bằng việc đưa ra rất nhiều ưu đãi. Nhiều năm tích cực vận động như vậy, nhưng ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam chia sẻ, vẫn không thể đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm của nhà trường. Hiện tại, dù năm học mới 2017 - 2018 đã bắt đầu hơn một tháng, nhưng số lượng học viên đến với trường vẫn chỉ mới có 97 em trong tổng số chỉ tiêu 200 em. Ông Quý nói dù đây là trường học duy nhất ở miền núi Quảng Nam chuyên đào tạo nghề cho các em người dân tộc thiểu số, nhưng nhà trường cũng đành bó tay khi số lượng học viên liên tục giảm sút. “Rất khó để đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc miền núi. Các em đến trường học với rất nhiều lý do, chứ không phải là học để đi làm nghề. Nhiều em cho biết, có khi đi học để tìm bạn rồi kết duyên, qua mỗi cái tết thì mỗi lớp không còn được bao nhiêu học viên” - ông Quý chia sẻ. Nhận thức và phong tục khác biệt, nên rất khó để đưa thanh niên miền núi đi học nghề, mặc dù các em còn ở trong các nóc, bản rất đông. Với đề án 3577 về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trường đã hoàn thành việc đào tạo cho 550 em trong số 1.120 em trong 6 tháng đầu năm khi đề án triển khai trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Quý nói, dù số lượng đào tạo nhiều như vậy nhưng số lượng các em “chịu” đi làm lại ít. Chưa kể, rất nhiều em khi đến cơ sở làm việc đã tự chuyển việc hoặc bỏ ngang, quay về bản. “Đến lúc này thì câu chuyện đã nằm ngoài phạm vi quản lý của trường” - ông Quý nói thêm.
Tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, từ nhiều tháng nay, thông tin nổi bật nhất được cập nhật liên tục trên trang web chính thức của trường là chỉ tiêu tuyển sinh các hệ đào tạo của trường. Với chỉ tiêu tuyển sinh 2.875 học viên, thì có lẽ đây là một trong những trường có chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao nhất trên toàn tỉnh. Con số này được phân bổ ra cho 4 hệ đào tạo gồm: cao đẳng, cao đẳng liên thông, trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp nghề. Trong đó, hệ trung cấp chuyên nghiệp có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất với 1.330 chỉ tiêu. Mặc dù đặt ra chỉ tiêu cao như vậy, tuy nhiên đến thời điểm này, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật mới có 801 thí sinh đến nhập học, trong khi số thí sinh được nhà trường gửi giấy báo trúng tuyển đợt 1 và đợt 2 là 1.498 em. Nếu tính theo tỷ lệ thì hiện tại nhà trường mới chỉ đạt hơn 27,8% chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2017 - 2018. Và mặc dù vẫn còn 2 đợt tuyển sinh cho đến hết năm 2017, nhưng sự thiếu hụt học viên vẫn là điều được dự báo trước. Ông Võ Triều Khải - Trưởng ban Tuyển sinh cho biết, để đảm bảo số lượng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến, nhà trường tiếp tục thông báo rộng rãi trên trang web và kết nối với các địa phương, các trường THPT để thông báo đến các em học sinh về nhu cầu tuyển sinh đợt 3, đợt 4 của nhà trường. “Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu đề ra thì có thể nói là rất khó, bởi vì hiện nay các em học sinh có nhu cầu đi học thì đã đi hết rồi, số còn lại chẳng còn bao nhiêu, trong khi đến nay nhiều trường vẫn tiếp tục gọi nhập học” - ông Võ Triều Khải nói.
Tín hiệu từ phân luồng
Ông Võ Triều Khải cũng chia sẻ một thông tin vui rằng, số thí sinh tốt nghiệp THCS đến đăng ký học nghề tại nhà trường đến thời điểm này là gần 300 em. Đây là tín hiệu vui vì nhiều học sinh THCS lựa chọn học nghề thay vì tiếp tục học THPT trong khi hoàn cảnh, khả năng không cho phép. Đó cũng là tác động của chính sách phân luồng giáo dục mà tỉnh Quảng Nam đang áp dụng nhằm thu hút, khuyến khích nhiều người học nghề. Đối với các em tốt nghiệp THCS vào học nghề tại nhà trường sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên như miễn học phí, tạo điều kiện để vừa học nghề vừa học văn hóa nếu các em có nhu cầu… Ông Khải cũng cho biết thời gian qua nhà trường xúc tiến việc hướng nghiệp đến từng địa phương, từng trường THPT; đồng thời thường xuyên tư vấn thông qua điện thoại, trả lời trực tuyến… nhằm giúp thí sinh và người nhà nắm rõ thông tin tuyển sinh và các chính sách ưu tiên của nhà trường. Đặc biệt là các thông tin về đào tạo gắn với giải quyết việc làm của nhà trường. Đây là điều mà nhiều phụ huynh và thí sinh rất quan tâm khi chọn trường theo học.
Trong khi đó, Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam xác định hướng đi là đào tạo theo nhu cầu thị trường với các nhóm ngành đang cần lực lượng lao động nhiều như du lịch, quản trị khách sạn, nghiệp vụ nhà hàng, công nghệ ô tô… Ông Đặng Nam Phương, Phó hiệu trưởng cho biết, trường liên tục có nhiều hoạt động gắn với doanh nghiệp để đảm bảo ổn định đầu ra cho các học viên. Và hầu như tất cả trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh hiện nay đều kết nối với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các em được thực hành và đảm bảo đầu ra khi tốt nghiệp. Ông Trần Đình Quế, Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB&XH cho biết, hiện 16 trường cao đẳng và trung cấp nghề trong cả tỉnh đều có mối liên hệ tốt với doanh nghiệp. “Đây gần như là điều kiện bắt buộc để các trường có thể tồn tại. Ngoài việc các trường năng động để nắm bắt xu thế của thị trường lao động và có sự điều phối hợp lý ở các nhóm ngành nghề, họ còn buộc phải cạnh tranh bằng các ưu đãi để tìm kiếm học viên. Rất nhiều trường về tận các địa phương để kêu gọi người học, hoặc linh động hơn là mở những lớp đào tạo nghề lưu động” - ông Quế chia sẻ. Cánh cửa học nghề luôn luôn rộng mở, nhưng ngược lại, việc định vị giáo dục nghề nghiệp trong hành trình phát triển vẫn còn khá mập mờ…
Thực hiện chuyên đề: VINH ANH - LÊ QUÂN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn