Nhu cầu dinh dưỡng cần thiết yếu của ngan bao gồm thức ăn tinh là ngô, thóc, gạo, cám, khoai… Thức ăn protein gồm: Đậu tương, bột cá, cá tép, giun, don dắt, cua ốc… Thức ăn xanh gồm: Bèo tấm, bèo tây, lá su hào, bắp cải… Ngan thích ăn dạng mảnh, hạt, không thích ăn thức ăn bột, ướt và trơn... Mỗi một giai đoạn, ngan sẽ có nhu cầu khác nhau.
Cho ngan ăn với lượng thức ăn theo nhu cầu để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, thường lượng thức ăn trong khoảng 5 - 10% trọng lượng thân. Trong khẩu phần thức ăn, khối lượng thức ăn năng lượng cho ngan chiếm khoảng 70%, thức ăn protein chiếm không quá 30%. Ngoài ra, cần bổ sung thêm khoáng chất, vitamin… trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Căn cứ vào mục đích sử dụng của mỗi loại thức ăn trong khẩu phần, người ta chia thức ăn nuôi ngan thành các nhóm sau: Thức ăn năng lượng; Thức ăn protein; Thức ăn khoáng; Thức ăn vitamin.
Thức ăn năng lượng
Nhóm này bao gồm các loại hạt ngũ cốc và sản phẩm phụ của chúng, về thành phần hóa học, trung bình thức ăn này có chứa 12% protein thô, 75 - 80% lượng protein này được tiêu hóa ở gia cầm, tuy vậy protein thuộc nhóm này chất lượng không cao vì thiếu lysin, methionin và tryptophan. Hàm lượng mỡ trung bình 2 - 5%, tuy vậy có một số sản phẩm phụ như cám lụa (của lúa) chứa 13% lipit. Loại thức ăn này gồm các hạt hòa thảo như: Thóc, ngô, kê, cao lương và các sản phẩm phụ của chúng như cám, tấm…
Thức ăn protein
Protein thực vật: Gồm các loại hạt cây họ đậu và các phụ phẩm của chúng là các loại khô dầu. Đại diện lớn nhất của các loại thức ăn này là đỗ tương, đỗ xanh, lạc. Đặc điểm nổi bật của chúng là giàu protein và các axit amin không thay thế.
Protein động vật: Bao gồm các sản phẩm chế biến từ động vật: Bột cá, bột tôm, bột thịt, bột máu… Đây là nguồn thức ăn giàu protein, có đủ các axit amin không thay thế; đồng thời cũng là nguồn cung cấp khá đầy đủ các nguyên tố khoáng và nhiều vitamin.
Thức ăn khoáng và vitamin
Loại thức ăn cung cấp khoáng và vitamin được gọi là thức ăn bổ sung.
Khoáng: Thức ăn bổ sung khoáng thường dùng trong chăn nuôi gia cầm là các phức hợp muối có chứa canxi, photpho; các muối amoni, muối ăn, muối của một số khoáng vi lượng. Có thể bổ sung khoáng đa lượng bằng các chất như phấn canxi cacbonat (CaCO3), đá vôi, bột vỏ sò, vỏ trứng, bột xương… Bổ sung khoáng vi lượng bằng Mangan sunfat (MnSO4.5H2O) hoặc Coban clorua (CoC12.6H2O).
Thức ăn bổ sung vitamin
Việc bổ sung vitamin vào hỗn hợp thức ăn được sử dụng dưới dạng premix vitamin - là hỗn hợp đồng nhất của các loại Vitamin A, D, E, K, B1, B12, PP kháng sinh phòng bệnh và chất chống ôxy hóa.
Có thể chia quá trình sinh trưởng của ngan con làm 3 thời kỳ: 0 - 3 tuần; 3 - 6 tuần; 7 tuần đến giết mổ. Các nghiên cứu cho thấy, nhu cầu dinh dưỡng trong thời kỳ kết thúc thường thấp hơn so thời kỳ khởi động (ví dụ 12% so 18% đối với nhu cầu protein). Có thể tiết kiệm được lượng thức ăn bằng cách giảm hàm lượng protein vào thời kỳ kết thúc. Riêng trong thời kỳ này, mức tiêu thụ thức ăn đã bằng một nửa tổng số thức ăn tiêu thụ. Ngược lại, tỷ lệ năng lượng trong khẩu phần cũng không ảnh hưởng lắm đến sự sinh trưởng. Ngan có khả năng tự điều chỉnh mức tiêu thụ thức ăn bằng cách hấp thụ một lượng calo ổn định. Khối lượng giết mổ không thay đổi và chất lượng vỗ béo tăng lên chút ít khi năng lượng của khẩu phần khoảng 2.400 – 3.200 Kcal năng lượng trao đổi/kg thức ăn. Thức ăn nên dùng ở dạng viên cỡ 2,5 mm hay dạng bột ở thời kỳ đầu, dạng viên cỡ 5 mm ở thời kỳ sinh trưởng.
>> Nắm bắt kỹ thuật và phối trộn thức ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giúp giảm chi phí nuôi ngan 15 - 20% so sử dụng thức ăn công nghiệp. |
Nguồn tin: nguoichannuoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn