Bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra. Đây là loài vi khuẩn gram âm có dạng cầu trực trùng gây nên. Vi khuẩn xâm nhập vào heo sẽ gây chứng tụ huyết, xuất huyết ở những vùng đặc biệt trên cơ thể và sau cùng là xâm nhập vào máu gây bại huyết toàn thân.
Bệnh thường xuyên xảy ra ở heo giai đoạn 3 - 6 tháng tuổi, đặc biệt là heo được nuôi ở quy mô nông hộ. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở thể cấp tính. Bệnh xảy ra quanh năm, khi điều kiện thời tiết thay đổi đặc biệt là vào vụ đông xuân khi độ ẩm cao, mưa phùn gió bấc, chuồng trại ẩm thấp…
Cơ chế: Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập, lây lan theo đường tiêu hóa là chính, ngoài ra còn qua hô hấp (nhất là hô hấp trên). Sự xâm nhập càng dễ dàng hơn là khi niêm mạc bị tổn thương. Bệnh lan truyền trực tiếp từ con mang mầm bệnh sang con khỏe, qua đường thức ăn, nước uống, chuồng trại vệ sinh kém…
Bệnh thường kết hợp thêm các bệnh trên đường hô hấp khác như viêm phổi, viêm teo mũi truyền nhiễm.
Thể quá cấp tính: Bệnh tiến triển rất nhanh, ồ ạt, thường phát theo đợt, cứ khoảng 8 - 10 giờ có một cơn kịch phát. Khi đó heo sốt rất cao, lên tới có thể 41 - 420C, heo đỏ mình, thở khó. Một số trường hợp heo không nằm được mà phải đứng hoặc chồm lên thành chuồng, thở hồng hộc. Cũng có heo đứng liên tục hoặc đi vòng vòng suốt 2 - 3 ngày đêm để thở. Một số heo có biểu hiện ho khạc hoặc hộc ra bọt hay bọt máu ở mồm. Sau khi qua cơn nguy kịch heo hạ nhiệt, dịu cơn, nằm xuống, đi lại uống nước hoặc cũng có khi đi tìm thức ăn. Những trường hợp này, nếu cơn kịch phát đầu tiên qua đi mà không được phát hiện hay điều trị chưa triệt để thì heo có thể chết ở cơn kịch phát kế tiếp. Khi chết heo co giật vài cơn, té giật, run rẩy và chết, một số hộc ra máu ở mũi, họng. Thân thịt có thể tím đen.
Thể cấp tính: Heo có các triệu chứng như sốt, khó thở nhưng ở dạng nhẹ hơn, sưng hầu, phị má, chảy nước ở mũi, họng, có thể ho khan từng tiếng, da có nhiều vệt tím đỏ.
Thể mãn tính: Heo bị bệnh nhưng không thể hiện cơn kịch phát, có thể có sốt, ăn ít hoặc bỏ ăn, ho khan, thở khó, chảy mũi, đôi khi có bị sưng hầu, tím vùng da ở hầu, đùi sau.
Trường hợp bị ghép với một số bệnh (như tai xanh ghép tụ huyết trùng, suyễn heo ghép tụ huyết trùng, hoặc thương hàn ghép tụ huyết trùng…): Biểu hiện bệnh trên heo sẽ đa dạng hơn, phức tạp hơn và nặng nề hơn.
Khi mổ khám thì quan sát thấy phổi heo bị viêm. Xoang ngực và bao tim tích nước có lẫn máu.
Phòng bằng vaccine: Dùng vaccine tụ huyết trùng (chất bổ trợ là keo phèn): 2 ml/liều/con lúc 45 ngày tuổi, tái chủng sau 6 tháng. Tuy nhiên, hiệu quả tiêm phòng có thể không hoàn toàn, một số heo đã tiêm phòng vẫn có thể bị bệnh.
Phòng bằng thuốc: Vào những thời điểm heo có nguy cơ bị stress (khi thay đổi thời tiết, chuẩn bị tiêm phòng…), dùng thuốc trộn cho heo ăn hoặc uống với một trong các sản phẩm: Tylofos: 1 g/40 kg trọng lượng, ngày/lần, thực hiện 3 ngày liên tục hoặc dùng Doxyt, liều 1 g/7 kg trọng lượng, ngày/lần, 3 ngày liên tục.
Thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng heo tốt. Không nuôi heo với mật độ quá chật, tạo điều kiện thoáng mát, mùa nóng có thể đặt quạt thông gió, làm mưa nhân tạo, hố nước tự giải nhiệt… Mùa mưa tránh mưa tạt gió lùa. Mùa lạnh có biện pháp giữ ấm cho heo. Nếu heo có bệnh mãn tính (ho, suyễn, viêm phổi dính sườn…) nên điều trị triệt để trước khi phối giống. Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại.
Có thể sử dụng một trong các loài thuốc sau để trị bệnh: Streptomycin, Kanamycin, Oxytetracyclin, Ampikana..., liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngoài ra, cần bổ sung thêm B-Complex, Vitamin để tăng cường sức đề kháng, mau phục hồi sức khỏe. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác an toàn sinh học, sát trùng trang trại 1 - 2 lần bằng vôi hoặc một số thuốc, hóa chất khác.
Nguồn tin: nguoichannuoi.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn