Quảng Nam hướng đến đào tạo lao động chất lượng cao

Thứ tư - 20/03/2024 14:22
Quảng Nam đang có lực lượng lao động dồi dào, đáp ứng nhu cầu cho các ngành sản xuất chính tại các khu công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong tương lai, Quảng Nam cần có các chính sách đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn.
Quảng Nam hướng đến đào tạo lao động chất lượng cao

Nguồn nhân lực

Quảng Nam là tỉnh có quy mô lao động khá lớn, lao động còn trẻ. Theo điều tra của Sở LĐ-TB&XH, lực lượng lao động toàn tỉnh năm 2023 là hơn 1,1 triệu người.

Đặc biệt, lực lượng lao động sinh sống ở khu vực thành thị hơn 332 nghìn người, chiếm 27,3%; lực lượng lao động sinh sống ở khu vực nông thôn hơn 858 nghìn người, chiếm 72,7%.

Nếu chia theo nhóm tuổi, số liệu phân tích cho thấy lực lượng lao động ở nhóm tuổi 20 - 39 chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 32,22%. Điều này thể hiện cơ cấu lao động chia theo nhóm tuổi của Quảng Nam đang ổn định với lực lượng lao động có năng suất cao.

Về cơ cấu, tỷ lệ lao động trong 3 nhóm ngành kinh tế chính: nông lâm nghiệp và thủy sản có 32,6%, công nghiệp và xây dựng 34,01%, thương mại và dịch vụ 33,39%. Như vậy, cơ cấu lao động của tỉnh đang chuyển dịch theo đúng định hướng.

Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động đang được cải thiện theo xu hướng tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ được cải thiện và nâng cao hàng năm.

Theo số liệu điều tra của sở, có 22,03% lao động chưa qua đào tạo, 29,98% là công nhân kỹ thuật không bằng cấp, 13,32% có chứng chỉ nghề dưới 3 - 5 tháng, 8,98% sơ cấp, 8,49% trung cấp, 7,41% cao đẳng, 9,62% đại học và 0,18% trên đại học.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn đang dần đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động. Trên cơ sở sát nhập các trường cao đẳng và trung cấp nghề, Trường Cao đẳng Quảng Nam được phê duyệt các ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.

Bao gồm 4 nghề cấp độ quốc tế (nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ ô tô, điện công nghiệp, quản trị khách sạn); 3 nghề cấp độ quốc gia (chăn nuôi - thú y, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ thông tin).

Hệ thống GDNN đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2022 đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 29%. Riêng đối với 9 huyện miền núi của tỉnh, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 28,24%.

Cần nâng chất

Theo đánh giá, hiện nay công tác GDNN của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số lao động được đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ cao đẳng, trung cấp không đạt kế hoạch; các nghề phục vụ cho sự phát triển của vùng, ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngành nghề kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được đầu tư đúng mức...

Vì vậy, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao phục vụ các khu công nghiệp, ngành chủ lực của tỉnh thời gian đến là nhiệm vụ cấp bách.

Theo Tập đoàn THACO, để đáp ứng nhu cầu quản trị và sản xuất kinh doanh, năm nay, THACO sẽ tuyển dụng mới gần 15.000 nhân sự, chủ yếu cho 2 lĩnh vực là nông nghiệp và cơ khí. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu tuyển dụng chiếm hơn 85% nhu cầu trên toàn hệ thống với 12.600 nhân sự.

Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO cho biết: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển của THACO và các doanh nghiệp tại Quảng Nam trong thời gian đến, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho trường là phải tiếp tục thay đổi, nâng cấp toàn diện về tài lực, vật lực, chương trình đào tạo, trình độ của đội ngũ giáo viên.

Trường đang hoàn tất thủ tục để mở thêm các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo các ngành trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghiệp...”.

Căn cứ quy hoạch tỉnh, nhu cầu lao động trong khu vực nông lâm thủy sản sẽ giảm tương đối so với khu vực phi nông nghiệp. Đây là cơ hội để nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, đồng thời chuyển đổi nhanh cơ cấu lao động thông qua phát triển nhanh kinh tế công nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu lao động sang các ngành nghề mới liên quan tới công nghiệp chế biến và kinh tế dịch vụ (trọng tâm là du lịch và các dịch vụ bán buôn, bán lẻ, dịch vụ vận tải và logistics).

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Quảng Nam cần thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng, đó là vừa đảm bảo nguồn cung lao động phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, vừa đảm bảo chất lượng lao động đáp ứng những xu thế, yêu cầu mới phát sinh từ quá trình chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế.

Đặc biệt, tỉnh cần phát triển nhanh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành nghề ưu tiên trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, đến năm 2030, quy mô lực lượng lao động của tỉnh dự báo đạt 77,22 nghìn người. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch từ các ngành nông nghiệp và công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang các ngành dịch vụ và công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2030, hai ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng sẽ chiếm 69,8% lực lượng lao động; trong khi nông nghiệp sẽ giảm tỷ trọng từ 39,6% năm 2020 xuống còn 30,2% năm 2030.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

tailieu2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây