Địa phương nỗ lực
Huyện Nam Trà My đã xác định phải tạo sự chuyển biến trong công tác XKLĐ, bằng những đợt xúc tiến, định hướng việc làm đến người LĐ. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh về tổ chức phiên giao dịch việc làm, Phòng LĐ-TB&XH huyện cùng với các hội đoàn thể và công ty XKLĐ tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho người LĐ đến từng xã. Thời gian qua Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Công ty CP Đầu tư Thuận An DMC tổ chức 11 đợt tư vấn về XKLĐ tại các thôn trên địa bàn huyện.
Ông Võ Như Sơn Trà - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My cho biết: “Sau những cố gắng, đã có một số LĐ đăng ký đi XKLĐ. Đến nay, 1 LĐ được xuất cảnh vào thị trường Nhật Bản, 1 LĐ trúng tuyển đơn hàng, đang được đào tạo sau tuyển và hoàn tất thủ tục xin cư trú ở Nhật Bản, 5 LĐ đang được định hướng và đào tạo nguồn tại doanh nghiệp để chuẩn bị các điều kiện tham gia thi tuyển và xuất cảnh. Nhắc lại quá khứ thì không nên, nhưng dư âm của thời đi XKLĐ cũ vẫn còn khiến người dân lo lắng. Chỉ mong những LĐ đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc có tin vui báo về thì mới thành điển hình để tuyên truyền đến bà con, vực lại niềm tin của bà con với XKLĐ”.
Với huyện Bắc Trà My, lực lượng LĐ của toàn huyện hơn 23 nghìn người. Điều tra cung cầu LĐ của huyện năm 2018 cho thấy, hơn 20 nghìn LĐ có việc làm. Việc làm ở khu vực miền núi là những công việc của gia đình hoặc đi làm thuê như làm rẫy, khai thác keo, làm đồng áng... Họ làm việc thường xuyên, nhưng nguồn thu nhập không cao. Vì thế Bắc Trà My xác định ngoài đưa LĐ đến với nhà máy, xí nghiệp bằng con đường đào tạo nghề ngắn hạn, cần đưa LĐ đi XKLĐ nhằm tạo chuyển biến mạnh về kinh tế gia đình. Huyện đã tích cực tuyên truyền chính sách XKLĐ, sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể đi làm việc ở nước ngoài. Kết quả huyện có 1 LĐ đi làm việc tại Nhật Bản, 1 người chuẩn bị xuất cảnh, 1 người đậu sơ tuyển, 4 người đang được học tại công ty để tạo nguồn.
Góp ý từ doanh nghiệp
Ông Lê Đình Toàn - Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận An DMC cho biết, công ty cắm chốt 2 cán bộ tại Quảng Nam. Qua theo dõi, một số địa phương tổ chức hội nghị tuyên truyền nhưng vẫn chỉ hình thức để báo cáo chứ chưa thúc đẩy phong trào. Nhiều hội nghị phát tờ rơi thông tin, người đến nghe chủ yếu là học sinh được huy động và cán bộ. Kết thúc hội nghị, nhiều người đi về, bỏ lại cả tờ rơi, không ai biết được thông tin XKLĐ là gì, ở đâu, qua kênh nào.
“Chúng tôi sẵn sàng cam kết với tỉnh, huyện, gia đình của LĐ về đảm bảo quyền lợi cho người LĐ, chịu trách nhiệm can thiệp, xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra đối với LĐ, cam kết về tất cả quyền lợi người LĐ sẽ được hưởng. Đây là năm đầu tiên tiếp cận với Quảng Nam, nên chúng tôi mong muốn sẽ được địa phương ủng hộ, phối hợp. Tuyên truyền phải đến được với người LĐ mới có hiệu quả. Nên cách chúng tôi chọn sẽ trực tiếp gặp LĐ cùng với chính quyền địa phương” - ông Toàn bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Đức Quốc - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Công ty Tocontap Sài Gòn, LĐ miền núi thi khó đậu vì không học nguồn, nên cần phải tạo nguồn. Vì trong quá trình học nguồn, LĐ hình thành được ý thức, tác phong ban đầu để khi trả lời phỏng vấn có thể nắm bắt được những cách ứng xử khôn khéo, dễ đạt “điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Tocontap tạo điều kiện cho học viên học không thu tiền mà chỉ lo cho phí ăn ở khi vào TP.Hồ Chí Minh.
“Quảng Nam có nguồn LĐ sau khi thi THPT, nhưng nguồn LĐ này mới 18 tuổi nên khó trúng tuyển vì không đáp ứng một số tiêu chuẩn. Theo tôi, tỉnh nên định hướng cho các em học sơ cấp nghề, hoặc đi LĐ phổ thông khoảng 1 năm, hoặc tham gia nghĩa vụ quân sự. Qua đó, các em được tôi luyện, phát triển thể chất rồi mới đi XKLĐ sang Nhật được” - ông Quốc đề xuất.
DIỄM LỆ
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn