Quy chế kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong đào tạo trình độ sơ cấp và công nhận hoàn thành chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng

QUY CHẾ

Kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong đào tạo trình độ sơ cấp và công nhận hoàn thành chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 509/QĐ-GĐ, ngày 11/3/2016
của Giám đốc Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về việc tổ chức kiểm tra trong quá trình học nghề và công nhận tốt nghiệp trong đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng đối với người học nghề (sau đây gọi chung là học viên) tại Trung tâm Dạy nghề thanh niên tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi tắt là Trung tâm).
Điều 2: Kiểm tra trong quá trình đào tạo
1) Kiểm tra trong quá trình học tập đối với trình độ sơ cấp nghề
a) Kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ
b) Kiểm tra kết thúc môđun, môn học
c) Kiểm tra kết thúc khoá học
2) Kiểm tra trong quá trình học tập đối với đào tạo nghề dưới 3 tháng gồm:
a) Kiểm tra đầu khóa học
b) Kiểm tra khi kết thúc môđun, môn học
c) Kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo
Điều 3: Đánh giá và lưu kết quả kiểm tra
1. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp đánh giá kết quả kiểm tra được thực hiện theo quy định sau:
a) Đánh giá kết quả học tập trong đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện theo cách thức kết hợp chấm điểm kiểm tra đánh giá quá trình học và kiểm tra kết thúc từng mô đun/môn học. Điểm mô đun/môn học bao gồm điểm kiểm tra đánh giá quá trình học (bao gồm điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và điểm kiểm tra đánh giá định kỳ) và điểm kiểm tra kết thúc mô đun/môn học.
b) Điểm đánh giá kết quả học tập của học viên theo thang điểm 10 (từ 1 đến 10), có tính đến hàng thập phân 1 con số.
c) Kết quả học tập được đánh giá theo số mô đun/môn học được tích lũy. Người học học hết chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nếu tích lũy đủ số mô đun/môn học theo quy định, có đủ điều kiện thì được xem xét cấp chứng chỉ sơ cấp. Những mô đun/môn học đã tích lũy được công nhận và không phải học lại khi học các chương trình đào tạo khác hoặc được bảo lưu để học liên thông lên trình độ cao hơn.
d) Kết quả kiểm tra từng học viên được lưu trong Sổ kết quả học tập, Sổ lên lớp và Bảng tổng hợp kết quả học tập.
2. Đối với đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng đánh giá kết quả kiểm tra được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt yêu cầu hoặc Không đạt yêu cầu.
Điều 4: Quản lý kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trình độ sơ cấp
Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm toàn bộ về các quyết định của mình đối với hoạt động kiểm tra trong quá trình học tập, kiểm tra kết thúc khóa học và công nhận tốt nghiệp cho học viên tại Trung tâm.
Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Giám đốc Trung tâm trong việc quản lý hoạt động kiểm tra trong quá trình học tập, kiểm tra kết thúc khóa học và công nhận tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế này và Nội quy kiểm tra và công nhận tốt nghiệp của Trung tâm.
Trưởng phòng Đào tạo chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về việc tổ chức kiểm tra trong quá trình học tập của từng môđun, môn học và kiểm tra kết thúc khóa học.
Điều 5: Quản lý kiểm tra và công nhận hoàn thành chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng
Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm toàn bộ về các quyết định của mình đối với hoạt động kiểm tra trong quá trình học tập, kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo và công nhận hoàn thành chương trình cho học viên tại Trung tâm.
Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm giúp Giám đốc Trung tâm trong việc quản lý hoạt động kiểm tra trong quá trình học tập, kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo và công nhận hoàn thanh chương trình đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chế này.
Trưởng phòng Đào tạo chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm về việc tổ chức kiểm tra trong quá trình học tập của từng môđun, môn học và kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo.
Chương II
KIỂM TRA VÀ CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP
Mục 1
KIỂM TRA, XÉT CÔNG NHẬN TỐT NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP
Điều 6: Kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ
1.Kiểm tra thường xuyên và kiểm ta định kỳ
a) Kiểm tra đánh giá thường xuyên được thực hiện tại thời điểm bất kỳ trong quá trình học của theo từng mô đun/môn học cụ thể thông qua việc chấm điểm kiểm tra vấn đáp trong giờ học, kiểm tra viết với thời gian làm bài bằng hoặc dưới 30 phút, kiểm tra một số nội dung thực hành, thực tập, chấm điểm bài tập và các hình thức kiểm tra đánh giá khác.
b) Kiểm tra đánh giá định kỳ được thực hiện tại thời điểm được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun/môn học, có thể được thực hiện bằng bài kiểm tra viết có thời gian làm bài từ 30 đến 45 phút; làm bài thực hành, thực tập và các hình thức kiểm tra, đánh giá khác.
2. Cách thức thực hiện kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ
a) Kiểm tra đánh giá quá trình học do giáo viên giảng dạy mô đun/môn học thực hiện theo những yêu cầu sau:
- Nội dung kiểm tra là những nội dung được quy định trong mô đun/môn học đào tạo đã giảng dạy cho học sinh;
- Nội dung cụ thể và hình thức kiểm tra thường xuyên do giáo viên tự quyết định;
- Nội dung và hình thức kiểm tra định kỳ được thực hiện theo quy định trong đề cương chi tiết mô đun/môn học của chương trình đào tạo.
b) Các bài kiểm tra theo hình thức kiểm tra viết, tiểu luận, bài tập sau khi chấm dược trả lại cho học viên ngay sau khi công bố điểm kiểm tra.
3. Quy trình kiểm tra, số bài kiểm tra cho từng mô đun/môn học cụ thể được thực hiện theo quy định trong chương trình đào tạo.
4. Học viên không dự kiểm tra nếu không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0 (không) cho bài kiểm tra đó. Trường hợp có lý do chính đáng thì được giáo viên giảng dạy mô đun/môn học tổ chức làm bài kiểm tra bổ sung.
5. Học viên có bài kiểm tra định kỳ dưới 5,0 thì được giáo viên trực tiếp giảng dạy xem xét, bố trí kiểm tra lần thứ hai các bài kiểm tra định kỳ có điểm dưới 5,0;
6. Việc ra đề kiểm tra, đáp án thang điểm và chấm điểm vào sổ lên lớp điểm kiểm tra định kỳ do giáo viên trực tiếp giảng dạy thực hiện.
Điều 7: Kiểm tra kết thúc môđun/môn học
1. Thể lệ kiểm tra kết thúc mô đun/môn học
a) Điều kiện dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học:
Người học được dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học khi có đủ điều kiện sau:
- Tham dự ít nhất 70% thời gian lên lớp lý thuyết, 80% giờ thực hành, thực tập và các yêu cầu của mô đun/môn học được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun/môn học.
- Điểm trung bình chung các điểm kiểm tra đạt từ 5,0 điểm trở lên.
Trường hợp người học bị ốm trong quá trình học hoặc trong kỳ kiểm tra kết thúc mô đun/môn học, phải viết đơn xin phép trong thời hạn không quá một tuần kể từ ngày ốm, kèm theo giấy chứng nhận của cơ sở y tế nhưng phải đảm bảo tham dự lớp học đủ thời gian theo quy định nêu trên.
b) Hình thức, thời gian kiểm tra
- Hình thức kiểm tra kết thúc mô đun/môn học là thực hiện bài kiểm tra kỹ năng tổng hợp, gồm kiến thức và kỹ năng thực hành một hoặc một số khâu công việc của nghề.
Hình thức kiểm tra, thời gian làm bài kiểm tra kết thúc mô đun/môn học phải được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun/môn học.
c) Ra đề kiểm tra và chấm điểm
- Giáo viên giảng dạy trực tiếp ra đề, đề kiểm tra phải phù hợp với nội dung mô đun/môn học đã được quy định trong chương và được giám đốc Trung tâm phê duyệt đề trước khi sử dụng.
- Cách chấm và tính điểm kiểm tra
+ Mỗi bài kiểm tra kết thúc mô đun/môn học phải do giáo viên chấm điểm và phải ký tên vào bài kiểm tra, phiếu chấm điểm, bảng tổng hợp điểm. Việc chấm điểm bài kiểm tra viết tự luận, chấm điểm vấn đáp, thực hành phải thực hiện trên phiếu chấm.
+ Điểm kiểm tra là điểm trung bình cộng của các giáo viên chấm. Trường hợp điểm của các giáo viên chấm đối với một bài kiểm tra có sự chênh lệch trên 1,0 điểm (theo thang điểm 10) thì phải tổ chức xem xét hoặc chấm lại. Trường hợp chấm lại vẫn không thống nhất được điểm thì trưởng phòng đào tạo xem xét, quyết định cuối cùng về cho điểm đối với bài kiểm tra đó. Bài kiểm tra được chấm thông qua máy, phần mềm chuyên dụng và việc chấm phúc khảo do Giám đốc Trung tâm quy định cụ thể và tổ chức thực hiện.
Đối với người học không đủ điều kiện dự kiểm tra hoặc vắng mặt buổi kiểm tra không có lý do chính đáng thì phải nhận điểm 0 cho lần kiểm tra đó; trường hợp có lý do chính đáng thì chưa tính điểm kiểm tra.
- Cách tính điểm mô đun/môn học
+ Điểm mô đun/môn học là điểm trung bình các điểm kiểm tra có trọng số 0,4 và điểm kiểm tra kết thúc mô đun/môn học có trọng số 0,6.
+ Điểm trung bình các điểm kiểm tra là trung bình cộng của các điểm kiểm tra thường xuyên, điểm kiểm tra định kỳ theo hệ số của từng loại điểm. Trong đó, điểm kiểm tra thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ tính hệ số 2.
d) Kết quả kiểm tra kết thúc mô đun/môn học; học và kiểm tra lại
- Người học đủ điều kiện dự kiểm tra sau mỗi lần học, được dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học nhưng không quá 02 lần kiểm tra. Cụ thể:
+ Học viên được dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học lần thứ nhất, nếu điểm mô đun/môn học đạt yêu cầu thì không phải dự kiểm tra lần thứ hai; nếu điểm mô đun/môn học chưa đạt yêu cầu thì phải dự kiểm tra thêm một lần nữa do Trung tâm tổ chức.
+ Học viên vắng mặt ở lần kiểm tra nào mà không có lý do chính đáng thì vẫn tính số lần dự kiểm tra đó nhưng điểm số là 0; trường hợp có lý do chính đáng thì chưa tính số lần dự kiểm tra và được Trung tâm bố trí dự kiểm tra.
- Học và kiểm tra lại:
Học viên phải học và kiểm tra lại mô đun/môn học chưa đạt yêu cầu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không đủ điều kiện dự kiểm tra lần đầu;
+ Đã hết số lần (02 lần) dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học, nhưng điểm mô đun/môn học chưa đạt yêu cầu.
- Học viên thuộc diện phải học và kiểm tra lại không được bảo lưu điểm, thời gian học tập của mô đun/môn học lần học trước và phải bảo đảm các điều kiện dự kiểm tra mới được dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học.
- Trường hợp không còn mô đun/môn học do điều chỉnh chương trình thì Giám đốc Trung tâm quyết định chọn mô đun/môn học khác thay thế trên cơ sở phù hợp với mục tiêu của nghề đào tạo.
2. Cách thức tổ chức kiểm tra kết thúc mô đun/môn học
a) Phòng Đào tạo tổ chức phổ biến Quy chế kiểm tra đối với học viên tham dự kỳ kiểm tra. Các phiên họp liên quan đến kỳ kiểm tra; việc bàn giao đề kiểm tra; bài kiểm tra; điểm kiểm tra phải được ghi lại bằng biên bản.
b) Lịch kiểm tra của kỳ kiểm tra chính phải được thông báo trước ngày kiểm tra ít nhất 02 tuần. Lịch kiểm tra của kỳ kiểm tra lại phải được thông báo trước ngày kiểm tra ít nhất 01 tuần. Trong kỳ kiểm tra, từng mô đun/môn học được tổ chức kiểm tra riêng biệt, không bố trí kiểm tra ghép một số mô đun/môn học trong cùng một buổi kiểm tra của một học viên.
c) Danh sách Học viên đủ điều kiện dự kiểm tra, không đủ điều kiện dự kiểm tra có nêu rõ lý do phải được công bố công khai trước ngày kiểm tra mô đun/môn học ít nhất 05 ngày làm việc. Danh sách phòng kiểm tra, địa điểm kiểm tra phải được công khai trước ngày kiểm tra kết thúc mô đun/môn học từ 01 - 02 ngày làm việc.
d) Điểm kiểm tra theo hình thức vấn đáp, thực hành, thực tập hoặc bảo vệ báo cáo thực tập phải được công bố cho học viên biết ngay sau khi chấm. Đối với các hình thức kiểm tra khác phải được công bố cho học viên biết muộn nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp kết quả kiểm tra.
Điều 8: Kiểm tra kết thúc khóa học
1. Giám đốc Trung tâm quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra kết thúc khóa học và chỉ đạo thực hiện kỳ kiểm tra kết thúc khóa học công khai, công bằng, đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng kết quả học tập và rèn luyện của người học.
2. Đề kiểm tra kết thúc khóa học do Phòng Đào tạo chịu trách nhiệm lựa chọn và được Giám đốc phê duyệt trước kỳ kiểm tra ít nhất 5 ngày làm việc và được niêm phong đảm bảo tính an toàn bảo mật.
3. Hội đồng kiểm tra kết thúc khóa học do Giám đốc Trung tâm ra quyết định thành lập căn cứ vào điều kiện thực tế của Trung tâm. Hội đồng kiểm tra kết thúc khóa học có trách nhiệm giúp Giám đốc Trung tâm trong hoạt động kiểm tra kết thúc khóa học, gồm:
a) Xét duyệt danh sách được dự kiểm tra kết thúc khoá học.
b) Xây dựng đề kiểm tra, đáp án và quy trình chấm bài kiểm tra kết thúc khóa học;
c) Tổ chức kiểm tra kết thúc khóa học, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy kiểm tra và công nhận tốt nghiệp;
d) Tổ chức chấm bài kiểm tra;
e) Đề xuất việc xếp loại tốt nghiệp cho học viên sau khi kết thúc khóa học.
4. Điều kiện để người học được dự thi kết thúc khóa học:
a) Các điểm tổng kết môn học, mô đun phải đạt từ 5,0 điểm trở lên;
b) Không trong thời gian đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại thời điểm tổ chức kiểm tra hoặc thi kết thúc khóa học (trừ các lớp tổ chức đào tạo cho phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam).
4. Hình thức kiểm tra kết thúc khóa học:
Kiểm tra kết thúc khóa học theo hình thức thực hành bài tập kỹ năng tổng hợp để thực hiện các công việc đơn giản của nghề hoặc hoàn thiện một sản phẩm, dịch vụ.
Điều 9: Công nhận tốt nghiệp đối với người học trình độ sơ cấp
1. Cách tính điểm tổng kết khóa học
Điểm tổng kết khóa học của người học trình độ sơ cấp được tính theo công thức sau:
          ĐTKKH =
Trong đó:
ĐTKKH          : Điểm tổng kết khóa học
          ĐiTKM           : Điểm tổng kết môđun, môn học
          n                 : Số lượng các môđun môn học trong đào tạo nghề
ĐKTKT          : Điểm kiểm tra kết thúc khóa học
2. Điều kiện được công nhận tốt nghiệp
Người học trình độ sơ cấp được công nhận tốt nghiệp khi có điểm tổng kết khóa học từ 5,0 trở lên.
3. Xếp loại tốt nghiệp
a) Việc xếp loại tốt nghiệp cho học viên được căn cứ vào điểm tổng kết khóa học.
b) Các mức xếp loại tốt nghiệp được quy định như sau:
- Loại xuất sắc có điểm tổng kết khóa học từ 9,0 đến 10;
- Loại giỏi có tổng kết khóa học từ 8,0 đến dưới 9,0;
- Loại khá có điểm tổng kết khóa học từ 7,0 đến dưới 8,0;
- Loại trung bình khá có điểm tổng kết khóa học từ 6,0 đến dưới 7,0;
- Loại trung bình có điểm tổng kết khóa học từ 5,0 đến dưới 6,0.
c) Các mức xếp loại tốt nghiệp xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá của học viên sẽ bị giảm đi một mức nếu học sinh bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học hoặc có một mô đun/môn học trở lên trong khóa học phải kiểm tra lại, học lại (không tính mô đun/môn học được tạm hoãn học hoặc được miễn trừ).
d) Mức xếp loại tốt nghiệp được ghi vào chứng chỉ sơ cấp và bảng tổng hợp kết quả học tập của học sinh.
4. Công nhận tốt nghiệp
a) Giám đốc Trung tâm căn cứ vào đề xuất của Hội đồng kiểm tra kết thúc khóa học ra quyết định công nhận tốt nghiệp và công bố công khai tới người học.
b) Trung tâm có trách nhiệm báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Tỉnh đoàn về kết quả công nhận tốt nghiệp chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ khi kết thúc khóa học.
Mục 2
KIỂM TRA KẾT THÚC KHÓA HỌC VÀ CÔNG NHẬN HOÀN THÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO THƯỜNG XUYÊN DƯỚI 3 THÁNG
Điều 10. Kiểm tra đầu khóa học.
Khi bắt khóa học, giáo viên, người dạy nghề thực hiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức, kỹ năng mềm và kỹ năng nghề đối với học viên để chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Nội dung, phương pháp kiểm tra do giáo viên, người dạy nghề trực tiếp giảng dạy lựa chọn, quyết định
Điều 11. Kiểm tra khi kết thúc mô đun/môn học, chương trình đào tạo.
1. Thể lệ kiểm tra kết thúc mô đun/môn học, chương trình đào tạo
a) Điều kiện dự kiểm tra
Người học được dự kiểm tra kết thúc mô đun/môn học khi có đủ điều kiện sau:
- Tham dự ít nhất 70% thời gian lên lớp lý thuyết, 80% giờ thực hành, thực tập và các yêu cầu của mô đun/môn học được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun/môn học.
Trường hợp người học bị ốm trong quá trình học hoặc trong kỳ kiểm tra kết thúc mô đun/môn học, phải viết đơn xin phép trong thời hạn không quá một tuần kể từ ngày ốm, kèm theo giấy chứng nhận của cơ sở y tế nhưng phải đảm bảo tham dự lớp học đủ thời gian theo quy định nêu trên.
b) Hình thức, thời gian kiểm tra
- Hình thức kiểm tra kết thúc mô đun/môn học là thực hiện bài kiểm tra kỹ năng tổng hợp, gồm kiến thức và kỹ năng thực hành một hoặc một số khâu công việc của nghề.
Hình thức kiểm tra, thời gian làm bài kiểm tra kết thúc mô đun/môn học phải được quy định trong đề cương chi tiết của mô đun/môn học.
c) Ra đề kiểm tra và chấm điểm
- Giáo viên giảng dạy trực tiếp ra đề, đề kiểm tra phải phù hợp với nội dung mô đun/môn học đã được quy định trong chương trình đào tạo và được Giám đốc Trung tâm phê duyệt đề trước khi sử dụng.
- Cách chấm và tính điểm kiểm tra
+ Kết quả kiểm tra được đánh giá theo một trong hai mức: Đạt yêu cầu và Không đạt yêu cầu, có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người đánh giá.
+ Học viên có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, thì phải tự ôn tập nội dung kiến thức và thực hành nghề đã học để dự kiểm tra lại. Số lần kiểm tra lại tối đa là 2 lần. Nếu kiểm tra lại lần thứ hai vẫn không đạt yêu cầu, thì phải học lại (nếu học viên có nhu cầu).
2. Cách thức tổ chức kiểm tra kết thúc mô đun/môn học, chương trình đào tạo
a) Phòng Đào tạo tổ chức phổ biến Quy chế kiểm tra đối với học viên tham dự kỳ kiểm tra. Các phiên họp liên quan đến kỳ kiểm tra; việc bàn giao đề kiểm tra; bài kiểm tra; điểm kiểm tra phải được ghi lại bằng biên bản.
b) Lịch kiểm tra của kỳ kiểm tra chính, kiểm tra lại phải được thông báo trước ngày kiểm tra ít nhất 01 tuần. Trong kỳ kiểm tra, từng mô đun/môn học được tổ chức kiểm tra riêng biệt, không bố trí kiểm tra ghép một số mô đun/môn học trong cùng một buổi kiểm tra của một học viên.
c) Danh sách Học viên đủ điều kiện dự kiểm tra, không đủ điều kiện dự kiểm tra có nêu rõ lý do phải được công bố công khai trước ngày kiểm tra mô đun/môn học ít nhất 03 ngày làm việc. Danh sách phòng kiểm tra, địa điểm kiểm tra phải được công khai trước ngày kiểm tra kết thúc mô đun/môn học từ 01 - 02 ngày làm việc.
d) Học viên có kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu, thì phải tự ôn tập nội dung kiến thức và thực hành nghề đã học để dự kiểm tra lại. Số lần kiểm tra lại tối đa là 2 lần. Nếu kiểm tra lại lần thứ hai vẫn không đạt yêu cầu, thì phải học lại (nếu học viên có nhu cầu).
Điều 12. Công nhận hoàn thành chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng
Học viên có kết quả kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo đạt yêu cầu được Giám đốc Trung tâm cấp Chứng chỉ đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.
Chương III
XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM TRA
Điều 13:  Xử lý vi phạm đối với học viên, giáo viên, cán bộ vi phạm các quy định về kiểm tra và công nhận tốt nghiệp
1. Trong quá trình kiểm tra và công nhận tốt nghiệp nếu học viên vi phạm Quy chế này và Nội quy kiểm tra và công nhận tốt nghiệp của Trung tâm, tùy theo mức độ hành vi sẽ bị xử lý theo một trong các hình thức sau:
a) Khiển trách, cho tiếp tục kiểm tra nhưng trừ 25% điểm bài kiểm tra;
b) Cảnh cáo, cho tiếp tục kiểm tra nhưng trừ 50% điểm bài kiểm tra;
c) Đình chỉ kiểm tra và cho điểm “0” cho bài kiểm tra đó;
d) Đình chỉ buộc thôi học hoặc không công nhận tốt nghiệp.
2. Cán bộ, giáo viên vi phạm Quy chế này và Nội quy kiểm tra và công nhận tốt nghiệp của Trung tâm; tùy theo mức độ hành vi sai phạm phải được xử lý theo các hình thức kỷ luật của Trung tâm hoặc các hình thức cao hơn theo quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp vi phạm đều phải lập biên bản và báo cáo Giám đốc Trung tâm xem xét, quyết định.
Điều 14: Xử lý khiếu nại, tố cáo trong kiểm tra và công nhận tốt nghiệp
Giám đốc Trung tâm phải có trách nhiệm trả lời các khiếu nại, tố cáo về việc kiểm tra trong quá trình học tập, kiểm tra kết thúc khóa học và công nhận tốt nghiệp hoặc kiểm tra kết thúc chương trình đào tạo và công nhận hoàn thành chương trình trong thời hạn theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo./.
                                                                              GIÁM ĐỐC        

  Ý kiến bạn đọc

Điều hành - Liên kết
logobantin copy
 
spkn
bnvieclam
tailieu2
Văn bản mới

25 / QĐ-UBND

Quyết định số 25 / QĐ-UBND

Lượt xem:4184 | lượt tải:1282

51/2018/NQ-HĐND

Nghị quyết số 51/2018/NQ-HĐND

Lượt xem:4431 | lượt tải:1343
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây